Mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái có phải là mối quan hệ giữa sếp và nhân viên, trên bảo dưới phải nghe? Thói quen áp đặt suy nghĩ của cha mẹ với con cái, sự khác biệt giữa các thế hệ không thể dung hòa, hay chính việc cha mẹ chưa hiểu hết vai trò của mình… đều là những nguyên nhân khiến họ bất lực khi dạy con, là nguyên nhân tạo khoảng cách ngày càng xa vời giữa cha mẹ và con cái…
Không hiểu tâm lý của con
Từ khi trẻ được sinh ra, cha mẹ đề cao những mong muốn, những nguyện vọng của mình đặt lên vai con, con mình phải bằng, thậm chí phải hơn con nhà người ta. Khi con lớn lên, con phải đeo trên vai ước mơ của ba mẹ, phải làm cho ba mẹ tự hào?
Đã bao giờ cha mẹ thực sự dành thời gian mỗi ngày để đọc sách, để nhìn con chơi, ngắm con ngủ, để hiểu con muốn gì, con cảm thấy thế nào? Nếu cha mẹ thực sự hiểu được điều đó ngay từ khi cho con bú, cho con ngủ, cho con ăn…, biết điều hòa, cân bằng những điều con mong muốn và biết chắp cánh ước mơ cho con, chắc chắn việc dạy con trở thành điều thú vị nhất mà cha mẹ may mắn được trải qua.
Không biết cách trò chuyện với con
Cha mẹ thường đổ dồn ánh mắt thất vọng dành cho con, thất vọng vì con ăn ít, thất vọng vì con quá nghịch ngợm, thất vọng vì con thấp hơn em bé nhà hàng xóm, thất vọng vì con nhà mình không làm được những điều mà con nhà khác bằng tuổi đã làm được. Cha mẹ cũng thường chỉ trích hay chê bai con, đổ dồn ánh mắt giận dữ khi con không làm được những điều mà mình muốn.
Đã bao giờ cha mẹ ngồi lại bên con, chơi cùng con như một đứa trẻ, cùng vẽ tranh, giải toán, cùng đọc truyện, múa hát say sưa. Khi con lớn lên, cha mẹ có thể ngồi trò chuyện với con được bao lâu, 10 phút, 15 phút hay có thể hàn huyên từ ngày này qua ngày khác. Khi cha mẹ chứng minh được rằng, con muốn chia sẻ bất kỳ điều gì với mình, họ là người mà con muốn nói chuyện khi buồn cũng như lúc vui, lúc đó, việc dạy con không còn là sự “bất lực”.
Không làm gương cho con
Mẹ muốn con phải thế này, phải thế kia, mẹ không muốn con xem ti vi, chơi game, không muốn con cư xử thô lỗ với người này, người kia… Nếu chỉ ra điều kiện đơn thuần, con không thể hiểu vì sao con phải thực hiện những yêu cầu đó của cha mẹ. Cha mẹ cứ sống tốt đi, cư xử với mọi người bằng sự cảm thông, bằng tình thương, sự tha thứ và sẻ chia, chắc chắn con bạn lớn lên cũng sẽ như vậy, không cần đến những kỳ vọng suông hàng ngày mà cha mẹ rao giảng cho con.
Luôn nhân nhượng khi con làm sai
Con làm sai nhưng con khóc, vì xót con, vì vô vàn lý do, cha mẹ nhân nhượng cho con hết lần này đến lần khác. Vô hình chung, con sẽ nghĩ rằng, việc làm sai ấy không ảnh hưởng đến ai, con có quyền làm sai. Tuy nhiên, cha mẹ vẫn có thể cho con quyền được làm sai, nhưng quyền đó là sự cảm thông khi con vô tình làm sai, để con hiểu và con đứng dậy sau khi vấp ngã, không phải sự cố tình từ những nhân nhượng của cha mẹ.
Quá nghiêm khắc với con
Nghiêm khắc với con là điều nên làm. Nhưng nếu nghiêm khắc một cách cứng nhắc sẽ vô tình đẩy mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái trở nên xa dần. Bạn sẽ có một đứa trẻ thiếu tự tin, sống khép kín, thu mình với mọi người. Quá nghiêm khắc cũng khiến việc trẻ nghe lời bạn trở thành đối phó, không xuất phát từ những điều con muốn.
Tìm cách quản lý con
Quản lý con, luôn coi con là một đứa trẻ dù con đã lớn là “bệnh” mà nhiều cha mẹ Việt mắc phải. Hãy là một người biết quan sát, biết trò chuyện cùng con và biết đứng xa hơn một chút để ngắm nhìn và theo dõi con, để con được tự do chơi, tự do khám phá, trải nghiệm, để con được quyền sai và sửa sai. Quản lý con quá chặt, đôi khi sẽ khiến ngôi nhà của bạn trở nên ngột ngạt và những bí mật của con, bạn sẽ không bao giờ được phép chạm tới. Đó là sự bất lực của cha mẹ khi giáo dục con cái.
Không dung hòa trong giá trị và quan niệm sống
Khi trong nhà có nhiều thế hệ, có bố mẹ, có con cái, có ông bà. Sự xung đột thường xuyên của những giá trị sống giữa các thế hệ khiến trẻ khó có thể hình dung được, đâu là giá trị cốt lõi và đúng đắn. Vì thế, khi con được sống cùng nhiều thế hệ trong cùng gia đình, hãy đặt tình yêu thương và sự cảm thông lên hàng đầu, và cha mẹ phải là người thể hiện được vai trò của mình trong việc thống nhất các giá trị để việc dạy con không gặp mâu thuẫn, xung đột.